Đẩy mạnh các doanh nghiệp tại Massachusetts

Thứ trưởng Phát triển Kinh doanh Phạm Văn Nam phát biểu tại Down Home Delivery & Catering ở Dorchester, doanh nghiệp đầu tiên được vay vốn từ Quỹ Snow Storm Massachusetts (Hình của Văn phòng Thống đốc)
Thứ trưởng Phát triển Kinh doanh Phạm Văn Nam phát biểu tại Down Home Delivery & Catering ở Dorchester, doanh nghiệp đầu tiên được vay vốn từ Quỹ Snow Storm Massachusetts (Hình của Văn phòng Thống đốc)

Trong khi khu vực Boston và vùng phụ cận từ lâu trở thành điểm nóng của đổi mới kinh doanh – từ sự bùng nổ công nghệ sinh học ở Kendall Square đến các công ty kỹ thuật khởi xướng ngày càng gia tăng dọc ven bờ biển Boston – công việc hàng ngày của ông Phạm Văn Nam là làm sao chia đều việc làm trên khắp tiểu bang.

Là Thứ trưởng Phát triển Kinh doanh của tiểu bang, nhiệm vụ chính của ông Nam là thuyết phục các doanh nghiệp phát triển và thuê mướn công nhân tại tiểu bang, kể cả ở các thành phố đang gặp khó khăn. Những nỗ lực nầy liên quan đến việc làm trung gian giàn xếp với một số doanh nghiệp lớn nhất tại Hoa Kỳ, như công ty bán lẻ trực tuyến khổng lồ Amazon, mà trung tâm phân phối trị giá 54 triệu đô la ở thành phố Fall River khi hoàn thành dự kiến sẽ tạo thêm 500 công việc mới toàn thời gian và khoảng 2,000 việc làm theo mùa.

Nhưng quan trọng hơn, những nỗ lực của ông Nam đang tập trung vào động cơ của nền kinh tế Massachusetts: các doanh nghiệp nhỏ.
“Tám mươi phần trăm nền kinh tế Massachusetts tập trung vào các cơ sở thương mại nhỏ có ít hơn 50 nhân viên,” ông Nam trả lời báo The State Banner. “Đó là động lực số một tạo công ăn việc làm và tạo cơ hội ở Massachusetts.”
Chính quyền của Thống đốc Charlie Baker đã đưa ra hàng loạt sáng kiến mới để giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ. Nhiệm vụ của ông Nam là làm sao đem những sáng kiến nầy đến tận các doanh nghiệp đang cần nhất. Ông cũng phải đoan chắc rằng các doanh nghiệp có thể tận dụng mọi cơ hội trợ giúp của chính quyền tiểu bang.

“Trong phạm vi thành phố, tại các thị trấn, người di dân làm chủ và quản lý rất nhiều các doanh nghiệp loại này” Ông cho biết. “Chúng tôi phải chú ý đến các doanh nghiệp của người mới nhập cư. Vì không phải họ luôn luôn hiểu được thủ tục hành chánh, để tự điều hành hữu hiệu một cơ sở kinh doanh của chính mình. Một phần công việc của Văn phòng Phát triển Kinh doanh chúng tôi là tận tình giúp họ để việc kinh doanh trở nên dễ dàng hơn”.

Lãnh vực tư/Lãnh vực công
Sinh ra ở miền Bắc Việt Nam, ông Nam đến Hoa Kỳ lúc lên 19 tuổi. Ông tốt nghiệp trường Quản trị Carlson thuộc Đại học Minnesota và có bằng Thạc sĩ trường Công quyền John F. Kennedy thuộc đại học Harvard. Ông đã làm việc cho Bank of America, Citizens Bank, Văn phòng Tị nạn và Di dân Massachusetts, và Văn phòng Giao thương Quốc tế Massachusetts.

Trong công việc gần đây nhất, với tư cách là Giám đốc Điều hành của Cơ quan Phát triển Cộng đồng VietAID, ông Nam đã làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp nhỏ ở địa phương – nhiều cơ sở do chính người di dân làm chủ – đã giúp làm hồi sinh lại khu phố Dorchester Avenue trong suốt 30 năm qua. Giờ đây, với trách vụ là một viên chức tiểu bang, ông nổ lực giúp chính quyền đáp ứng tốt đẹp hơn nhu cầu của khối di dân nấy.

Văn phòng của ông Nam cung cấp hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ qua các hình thức cho vay, hỗ trợ kỹ thuật và ưu đãi để sinh lợi và phát triển trong phạm vi tiểu bang. Những ưu đãi thường thấy nhất là hình thức giảm thuế và các khoản tín dụng cho các doanh nghiệp nhiều hứa hẹn sẵn sàng tạo ra việc làm mới.

Một ví dụ mới nhất: công ty Woonsocket Glass Fabricators, được chính quyền Baker chiêu dụ từ tiểu bang bên cạnh Rhode Island, gần đây đã mở một nhà máy mới ở Whitinsville.
“Họ rất hài lòng với phẩm chất công nhân tuyển được ở đây, trong vòng bảy tháng, họ tăng gấp đôi lực lượng lao động từ 25 lên 50 người”. Ông Nam cho biết.

Ông Nam cho rằng phẩm chất cao của lực lượng lao động trong tiểu bang là nhờ hệ thống giáo dục đứng đầu trên toàn quốc và tỷ lệ cao của người nhập cư.
“Tôi nghĩ rằng, thứ nhất, chúng ta được huấn luyện kỹ,” ông nói. “Chúng ta có nhiều trường cao đẳng và đại học tính theo đầu người hơn bất cứ tiểu bang nào khác. Và thứ hai là tinh thần yêu thích công việc. Người dân ở đây, theo vị Tổng Giám đốc Điều hành của Woonsocket Glass, đã hăng say làm việc hơn nhiều so với số công nhân cũ. Ngoài ra, tôi nghĩ rằng ở Massachusetts, đặc biệt là ở khu vực Boston, chúng ta có một số lượng lớn những người mới nhập cư. Một phần tư số người cư ngụ ở Boston là di dân. Khi bạn là một người nhập cư, bạn có xu hướng bị thúc đẩy mạnh hơn để tự xây dựng một cái gì mới, cố gắng chứng minh rằng bạn xứng đáng có mặt ở đây”.

Bên ngoài Route 128
Chính quyền tiểu bang đã hổ trợ một cam kết giao thương lớn khác cho Boston và các thành phố cùng thị trấn lân cận, đó là việc di chuyển trụ sở công ty G.E. đến Boston, đã tạo nên tin tức sôi nổi nhất gần đây. Nhưng thỏa thuận với công ty Woonsocket và những cơ sở kinh doanh khác đã làm nổi bật nổ lực của ông Nam nhằm tạo dựng và mở rộng việc làm ra bên ngoài Route 128. Với 70 phần trăm tổng doanh thu lợi tức của Massachusetts được tạo ra trong vòng bán kính mười dặm của xa lộ vòng quanh Boston, chính quyền Baker đang giúp thúc đẩy tăng trưởng trong các khu vực như bờ biển phía Nam và miền Tây Massachusetts, cũng như ở các thành phố cửa ngõ của tiểu bang.

Thành phố Lowell mới ghi nhận một thành quả vẻ vang khi cơ quan chính quyền tiểu bang thuyết phục được Kronos, một công ty chuyên về kỹ thuật quản trị nhân lực, dọn đến từ thành phố lân cận Chelmsford. Công ty đang trên đà phát triển mà trụ sở chính không kham nổi nên có ý di dời sang một tiểu bang khác. Ông Nam cho biết.

“Họ đã nhận được đề nghị từ các tiểu bang khác,” ông nói. “Đây sẽ là một mất mát lớn – 13,000 công việc với mức lương trung bình 108,000 đô la cho mỗi công việc một năm. Và chúng tôi đã thuyết phục họ ở lại tiểu bang Massachusetts và di chuyển đến Lowell. Họ cũng sẽ dành 35 triệu đô la để tân trang một tòa nhà và tạo thêm tối thiểu 400 việc làm trong năm năm liên tiếp, và có thể lên đến 1,000 việc. Hiện họ đang thuê 400 việc”.

Đối với nhiều doanh nghiệp nhỏ đang hoạt động tại Boston, ông Nam nhấn mạnh đến các sáng kiến quan trọng nhằm giúp họ phát triển. Một nỗ lực mới là làm sao cho việc đấu thầu các hợp đồng với chính quyền nhanh hơn và dễ dàng hơn.
“Mỗi năm chính phủ tiểu bang cần trung bình 4 tỷ đô la hàng hóa và dịch vụ”, ông Nam nói. “Chúng tôi biết các doanh nghiệp nhỏ phải chật vật làm các thủ tục giấy tờ. Vì vậy, chúng tôi đã cắt giảm khoảng hai phần ba thủ tục giấy tờ cho các doanh nghiệp nhỏ để được chứng nhận. Bây giờ có nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn, nhiều doanh nghiệp do người thiểu số và phụ nữ làm chủ hơn, có đủ điều kiện để thương lượng kinh doanh với chính quyền”.

Một sáng kiến khác của chính quyền Baker đang tiến triển: đơn giản hóa hơn 2,600 quy định mà các doanh nghiệp phải tuân thủ tại Massachusetts.
“Chúng tôi hy vọng trong vòng vài tháng tới, nhiều quy tắc và quy định lỗi thời sẽ được loại bỏ”, ông Nam cho biết.
Đối với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn để hoàn tất giấy phép và theo đúng quy định, văn phòng ông Nam có thanh tra doanh nghiệp nhỏ, những người nầy sẽ làm việc với chính quyền tiểu bang và địa phương để hướng dẫn giúp các doanh nghiệp thông qua tiến trình xin phép.
Công việc tất bật đã đưa ông Nam có mặt trên khắp tiểu bang. Các sáng kiến ông đang quản lý, bao gồm các khoản vay doanh nghiệp nhỏ và cả thêm một chuỗi chương trình hỗ trợ kinh doanh khác, đã khiến ông khá bận rộn trong chỉ hai năm giữ trách vụ Thứ trưởng.
“Cứ như là bị cuốn trong cơn gió lốc vậy”. Ông kết luận.

Phỏng dịch theo Yawu Miller
The Bay State Banner ngày 29/6/2016

Mời xem nguyên bản tại:
http://baystatebanner.com/news/2016/jun/29/boosting-mass-businesses/?banner-biz