Trần Thu Miên: Boston Kỳ Đài Và Tượng Đài Tự Do

Câu tục ngữ ông bà ta dạy “Trâu Chết Để Da, Người Chết Để Tiếng” thật thích hợp với cộng đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản (VNTNCS) trên thế giới, tại Hoa Kỳ, và cách riêng cộng đồng Tỵ Nạn Cộng Sản tại Boston và Massachusetts. Thế hệ Tỵ Nạn tiên phong đang bước vào tuổi già và nhiều người đã ra đi vĩnh viễn. Đa số chúng ta, những người cùng chí hướng, cùng thân phận ly hương biệt xứ, vẫn thao thức về tương lai của các thế hệ hậu duệ nơi xứ người. Chính vì thế, hầu như ở nơi nào có cộng đồng VNTNCS, chúng ta đều thấy đồng bào ta khởi xướng xây cất nhà thờ hay chùa Việt Nam, song song với việc mở những trung tâm dạy tiếng Việt cho con cháu chúng ta. Đấy là những việc nằm trong ước vọng chung: truyền đạt lại “gia tài cội nguồn” cho con cháu.
Trong những năm gần đây, nhiều cộng đoàn Việt Nam Tự Do trên thế giới, đã nỗ lực xây dựng Kỳ Đài Việt Nam Cộng Hòa, Tượng Đài biểu tượng cho Thuyền Nhân, hay Người Lính Việt Nam Cộng Hòa anh hùng. Đây là nỗ lực kiến tạo các công trình lịch sử cần thiết, để chúng ta không những nói lên được sự hiện diện của cộng đồng VNTNCS nơi đang sinh sống, nhưng còn giúp con em chúng ta biết và hãnh diện về cội nguồn Tỵ Nạn Cộng Sản của cha mẹ, và ông bà. Rồi đây, trăm năm, ngàn năm sau, các thế hệ này sẽ được gọi là tổ tiên người Việt Ly Hương vì Tự Do.

Hai Dự Án Quan Trọng Của Người Việt Tại Boston

Gần đây, Trung tâm Cộng đồng VietAID đã khởi xướng dự án xây dựng Tượng đài Tự Do cũng nhằm vào việc truyền đạt “gia tài cội nguồn” cho hậu duệ Tỵ Nạn Cộng Sản. Tôi rất hân hạnh được trung tâm VietAID mời cộng tác vào bước tiên khởi cho dự án này với trách nhiệm vận động bà con đồng hương và tất cả các đoàn thể chính trị Chống Cộng, xã hội, và tôn giáo hợp tác vào một việc chung thật ý nghĩa này. Hẳn quý vị cũng đã theo dõi về những khó khăn của những dự án tương tự trong các cộng đoàn Việt Nam tại Hoa Kỳ hay các nước tự do. Dù đây là việc chung có tầm quan trọng cả văn hóa đến lịch sử, nhưng việc mời gọi sự hợp tác của đồng bào thì thật là nhiêu khê. Bản thân tôi, khi đồng ý làm ủy viên vận động cho dự án “Tượng Đài” cũng đã nhận được nhiều ý kiến và lời khuyên trái ngược nhau từ những người bạn của tôi: có người hăng hái khuyến khích, cũng có người khuyên can đừng làm. Theo những thông tin cộng đồng của VietAID, dự án Tượng Đài Tự Do đã được chính quyền địa phương chấp thuận, và các cơ sở thiện nguyện vừa tài trợ vừa ủng hộ tích cực. Nhưng “Vạn Sự Khởi Đầu Nan,” dự án Tượng Đài cũng gặp những cản trở cần vượt qua.
Tuy nhiên, trong một buổi họp cộng đồng tại VietAID vào ngày 15 tháng Sáu vừa qua, một vị (tôi quên tên và xin tha lỗi) đã tuyên bố rằng Tổ chức Cộng đồng Việt Nam tại Massachusetts đã có dự án xây dựng Kỳ Đài. Dự án này cũng đã được chính quyền địa phương chấp thuận và ủng hộ. Đây là tin vui lớn. Nhà văn Lại Tư Mỹ (một vị đàn anh Công Giáo tôi kính mến) viết trong một bài tường thuật rất súc tích và rất hay về ngày Lễ Vinh Danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa Tại Boston, Massachusetts đã được diễn ra tại Town Field Park, số 1550 Dorchester Ave., thành phố Boston, và đã cho đăng trên Điện Báo Người Việt Boston http://nguoivietboston.com/?p=16866. Trên bài tường thuật này, nhà văn Lại Tự Mỹ viết lại lời tuyên bố từ bài diễn văn của ông Chủ Tịch Cộng Đồng Nguyễn Thanh Bình: “Ông cũng công bố Nghị quyết của Hội Đồng Thành Phố Boston, công nhận ngày 19 tháng 6 là ngày “Vinh Danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa” và xác định, nơi đây, chính tại vị trí này đã được Hội Đồng Thành Phố Boston cho phép xây dựng Kỳ Đài Mỹ & Việt Nam Cộng Hòa.” Như vậy đồng bào TNCS ta sẽ được chiêm ngưỡng “Lá Cờ Vàng,” linh hồn của cộng đồng, dấu ấn lịch sử của Việt Nam Cộng Hòa hiên ngay bay phất phới trên bầu trời Boston, bầu trời thủ đô văn hiến Hoa Kỳ và trung tâm trí tuệ của thế giới.

Hai Gai Nhọn Trong Mắt Người Việt Tại Boston

Chuyến viếng thăm Boston đầu tiên của tôi xẩy ra vào cuối thập niên 80, khi tôi may mắn được một Đại Học cho phỏng vấn việc làm. Vị giáo sư già người đưa đón tôi, nay đã qua đời, hỏi một câu hỏi làm tôi bối rối vì không trả lời được. Cũng may, câu hỏi được đưa ra trong bữa ăn tối chỉ có ông và tôi ở nhà hàng Pháp có tên L’Espallier ở khu Back Bay, nay đã dời về đường Boylston, Boston.
“Anh biết Boston có một dấu tích lịch sử liên quan đến Việt Nam không?”
Câu hỏi quá bất ngờ làm tôi ngớ cả mặt. Trước khi đi phỏng vấn, tôi “ôn bài” và sửa soạn rất kỹ về những môn học mình có thể giảng dạy hay những điều liên quan đến phân khoa mình xin việc làm, không ngờ ông ta hỏi mình câu bất ngờ như viên đá từ trời ném vào tai làm mình choáng váng.
“Thưa không!” Tôi cố lấy bình tĩnh và hỏi lại, “Xin thầy cho em biết câu trả lời vì em hoàn toàn không biết. Đây là lần đầu tiên em đến Boston.” Tôi gọi ông là thầy vì thật ra tuổi tôi lúc ấy cũng chỉ đáng là học trò ông thôi.
“Tôi nghĩ anh không thích điều tôi sẽ nói.” Professor Adams nháy mắt cười.
“Thưa thầy tại sao?”
“Tôi tìm hiểu lý lịch anh và biết anh là người Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản.”
“Nhưng việc ấy có liên quan gì đến điều thầy hỏi không?”
“Có chứ!”
“Xin thầy cho biết!”
Cuộc đối thoại của chúng tôi bắt đầu cởi mở và tôi bớt “bối rối” về câu hỏi bất ngờ của Professor Adams.
“Anh Trần, anh có biết là Hồ Chí Minh đã từng làm thợ nướng bánh ở Boston không?”
“Thưa thầy không! Và thầy dư biết, người Tỵ Nạn như em không muốn nhắc đến nhân vật này.”
“Vâng, nhưng đây là sự kiện lịch sử đã khiến nhiều du khách tò mò muốn biết. Nếu có giờ tôi sẽ đưa anh ghé thăm!”
“Cảm ơn thầy, nhưng không cần thiết với em!”
Sau này tôi cũng tò mò tìm đến khách sạn “The Omni Parker House Boston” nằm trên đường School Street không xa phố Tàu Boston. Và đúng như giáo sư Adams nói, trên thực đơn của nhà hàng khách sạn này có vài dòng tiểu sử về Hồ Chí Minh. Nhiều du khách hiếu kỳ ghé đến để biết nơi một lãnh tụ Cộng Sản khét tiếng đã từng nướng bánh. Tôi cũng thử vài món trong nhà hàng của khách sạn, nhưng không hợp khẩu. Mình là dân cơm ngày ba bữa nên bánh mì không hấp dẫn lắm.
Một thời gian không lâu, sau khi tôi về Boston làm việc, cô bạn đồng nghiệp cũng hỏi tôi một câu tương tự như cố giáo sư Adams đã hỏi. Cô ấy hỏi khi đi trên -Tốc Lộ 93 hay 93 Expressway- có để ý hình vẽ bóng mặt Hồ Chí Minh trên thùng khí đốt khổng lồ không? Dĩ nhiên là tôi trả lời có thấy những “giải” màu rực rỡ như cầu vồng chân mây, nhưng không để ý điều cô nói. Cô ta bảo “Nếu có dịp đi ngang Tốc Lộ 93 nữa, ráng tìm cách dừng xe, và nhìn kỹ lên thùng chứa khí đốt khổng lồ ấy, anh sẽ thấy bóng khuôn mặt của Hồ Chí Minh màu xanh trên thùng khí.” Cô bạn tôi còn giải thích thêm rằng công trình nghệ thuật tựa đề: “The Rainbow Swash” là tác phẩm của nữ họa sĩ Corita Kent hay còn gọi là Sister Mary Corita Kent. Họa sĩ Corita Kent từng là nữ tu Công Giáo dòng “Sisters of the Immaculate Heart of Mary” và đã là khoa trưởng khoa Nghệ Thuật, đại học Immaculate Heart College. Lúc bà thực hiện công trình này bà đã thoát ly đời tu. Bà qua đời 1986, hai năm trước khi tôi về Boston. Điều cô đồng nghiệp kể làm tôi đã bán tín bán nghi, nhưng rồi có dịp đứng nhìn vài lần mình cũng thấy vậy. Đã nhiều lần tôi thắc mắc chả biết bà Corita Kent có dụng ý gì khi bà phác họa bóng mặt Hồ Chí Minh lên thùng khí đốt khổng lồ này? Một anh bạn tôi thường bảo “Bà Cotita Kent đã ám chỉ linh hồn ông Hồ sẽ bị thiêu bằng khí đốt đấy.” Nói gì thì nói, việc hai dấu tích lịch sử về Hồ Chí Minh ở Boston phải là hai cái gai nhọn trong mắt những người Tỵ Nạn Cộng Sản ở Boston. Không biết thì không sao, nhưng biết rồi thì khó chịu lắm. Chúng ta phải làm gì để gỡ hai gai nhọn lịch sử này đây?

Chúng Ta Phải Làm Gì?

Hai dự án quan trọng: một xây Tượng Đài Tự Do, một xây Kỳ Đài phải được đồng bào ta ủng hộ hết mình. Có cách nào kết hợp hai dự án thành một công trình chung hay không? Nếu không, theo thiển ý tôi, trên phương diện tình cảm, việc xây Kỳ Đài phải được thực hiện trước. Theo thông tin từ bài viết của nhà văn Lại Tư Mỹ thì dự án Kỳ Đài đã được thành phố chấp thuận. Như vậy, khi Tổ Chức Cộng Đồng (TCCĐ) cho phổ biến kế hoạch thực hiện cụ thể thì VietAID có nên hủy bỏ dự án xây dựng Tượng Đài Tự Do không? Hay VietAID nên tạm ngưng xúc tiến dự án Tượng Đài để chờ cộng đồng dồn hết sức lực vào việc xây dựng Kỳ Đài trước? Nếu tôi không lầm, VietAID đã hứa công khai trong buổi họp “tương kính” ngày 15/6 rằng VietAID sẵn sàng hợp tác với TCCĐ. Việc này xin để các vị lãnh đạo cộng đồng, tổ chức, và cơ quan xã hội quyết định. Còn chúng ta, chúng ta phải hết lòng ủng hộ TCCĐ về công trình xây dựng Kỳ Đài. Xin nhấn mạnh rằng, các đoàn thể Tỵ Nạn Cộng Sản, không phân biệt tôn giáo, chính trị, phải hết sức ủng hộ dự án Kỳ Đài khi TCCĐ lên phương án thực hiện dự án lịch sử này.

Điều Chúng Ta Mong Đợi

Nếu hai dự án của cộng đồng người Việt TNCS Boston được thực hiện thành công, chúng ta sẽ lấy ra được “hai cái gai nhọn” trong mắt sớm. Hai dự án này là hai chìa khóa để hậu duệ Tỵ Nạn người Việt tại Boston và Massachusetts mở ra cánh cửa Cội Nguồn. Chúng ta và con cháu chúng ta sẽ ngẩng đầu hãnh diện lúc nhìn thấy Cờ Vàng tung bay từ Kỳ Đài, hay khi đi ngang qua Tượng Đài Tự Do lộ diện ở một công viên đông người lai vãng. Làm sao cho mỗi lần con cháu chúng ta thấy màu cờ vàng là biết ngay đấy là màu da của giống nòi. Làm sao cho mỗi người Việt ly hương khi đi ngang Kỳ Đài phải cúi đầu tỏ lòng biết ơn những người đã đổ máu ra vì lá cờ này. Con cháu chúng ta phải biết rằng ba sọc đỏ trên nền cờ vàng là những dòng máu của tiền nhân đã đổ ra để màu da vàng giống nòi còn mãi tồn tại. Nhục lắm, khi lá cờ đỏ sao vàng trông mang máng như lá cờ Trung Quốc: lá cờ phủ kín tương lai của dân tộc, lá cờ thắt cổ tự do của giống nòi.
Hãy cùng nhau thổi gió vào lá Cờ Vàng để linh hồn Việt Nam Tự Do được tung bay hiên ngang trên nền trời Boston bốn mùa năm tháng. Hãy đóng góp một viên gạch, cục đá, hay nắm xi măng để Tượng Đài Tự Do được vươn lên kiêu hãnh, xứng đáng là dấu tích của Con Rồng Cháu Tiên.
Thôi! đừng ngồi nhìn nhau đặt vấn đề nữa.

Trần Thu Miên