12/2/2012: Họp Mặt Đầu Xuân Của Văn Nghệ Sĩ Boston

MỘT VÀI SUY NGHĨ QUA BUỔI HỌP MẶT ĐẦU XUÂN CỦA VĂN NGHỆ SĨ BOSTON
Bùi Thạch Trường Sơn
Hình ảnh: Nguyễn Mạnh Cường – Phạm Ánh

Các văn nghệ sĩ Boston chụp hình kỷ niệm Họp Mặt Đầu Xuân 2012.

Mới đó mà đã 8 năm trời trôi qua kể từ ngày vợ chồng con cái chúng tôi đang sống đàng hoàng, no đủ, đang sinh hoạt văn nghệ văn gừng rộn rã tưng bừng với rất nhiều bằng hữu thân thương quý mến ở Boston, bỗng một hôm… chơi bạo lấy tiếng, quyết định bán phứt nhà cửa, “quit job” cái rụp, làm những “con chim trốn tuyết” xuôi về phương Nam, tìm vùng nắng ấm.
Xuống tái định cư ở cái nơi được mệnh danh là “Sunshine State” Florida một thời gian tôi mới chợt nghiệm ra rằng: Boston là nơi ở thì… lạnh mà xa thì… nhớ ! Thật vậy! Boston có thật nhiều cái để nhớ: màu xanh thăm thẳm của biển Nantasket trong mùa Hè chói nắng, màu vàng rực rỡ của rừng Blue Hills khi… gió chớm Thu về, màu trắng mênh mông của núi đồi sông biển sau một cơn bão tuyết giữa mùa Đông và màu xanh mơn mởn của cỏ cây hoa lá khắp cả Boston khi trời chớm sang Xuân. Những con đường lúc nhúc xe cộ, những dãy chung cư cũ mèm, cũ đến nỗi những căn nhà dường như phải tựa vào nhau để khỏi đổ sầm xuống đất (?!) tương phản với những lâu đài nguy nga tráng lệ nằm chễm chệ giữa những bãi cỏ mênh mông trông giống như là tòa Bạch Ốc.

Các văn nghệ sĩ hợp ca Ly Rượu Mừng – ca khúc Phạm Đình Chương – mở đầu cho chương trình Họp Mặt Đầu Xuân.

Những bến cảng xôn xao nhộn nhịp tàu thuyền. Những nhà ga, những phi trường hoạt động không một phút giây ngừng nghỉ … Nhịp sống của Boston là nhịp sống của một đại đô thị và như nhà thơ Chân Phương đã có lần nói với tôi: “Boston là một trong mấy cái đầu tàu của nước Mỹ…”. Đúng vậy! Boston không chỉ là cái “đầu tàu” về kinh tế, chính trị. Trên hết và quan trọng hơn hết, nó còn là cái đầu tàu về văn hóa của cả nước Mỹ và không chừng của cả thế giới nữa. Thử đi một vòng – mà chắc là không đi hết nổi đâu! – hàng trăm trường đại học của Boston, để tận mắt nhìn thấy những trung tâm sản xuất nhân tài cho cả thế giới: M.I.T., Harvard, Tuffs, B.U., Northeastern, U Mass, Berklee… Đã có biết bao nhiêu chính trị gia lỗi lạc, đã có biết bao nhiêu khoa học gia, kinh tế gia tên tuổi, kỷ sư, bác sĩ, chuyên viên, nghệ sĩ… đến từ khắp mọi miền trên trái đất đã từng mài đũng quần trên ghế của các viện đại học lừng danh thuộc thành phố Boston? Được sống trong cái “thành phố văn hóa” này phải chăng là một điều may mắn cho chúng ta và cho con em của chúng ta?! Trên mảnh đất văn hóa màu mỡ này, chúng ta và con em của chúng ta đã và đang tiếp tục đạt được những thành quả học tập rực rỡ khiến người Việt chúng ta xiết bao hãnh diện và các cộng đồng dân tộc bạn phải kính phục, nể vì.

Từ trái qua phải: Duy Hải, Nguyễn Thiện Lý, Hoàng Long, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Ngọc Phong, Lê Gioang, Hoàng Vân.

Từ cái trung tâm văn hóa lớn nhất nước Mỹ này chúng ta đã học được rất nhiều bài học về văn hóa của nước Mỹ và của thế giới cũng như đã có nhiều sinh hoạt văn hóa của riêng dân tộc Việt rất hữu ích và có ý nghĩa. Trên vùng đất hứa của dân chủ, tự do, chúng ta đã thoải mái bày tỏ lập trường, quan điểm, thái độ chính trị và tha hồ phát huy truyền thống của riêng dân tộc Việt. Tại thành phố văn hóa nổi tiếng này, chúng ta đã làm được rất nhiều việc nhằm duy trì và tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa vô cùng tốt đẹp của dân tộc Việt trên xứ người. Một trong những công việc có ý nghĩa nhất trong sinh hoạt văn hóa của Cộng Đồng Người Việt Boston là sự hình thành một đội ngũ văn nghệ sĩ với thành phần gồm những nhà văn, nhà thơ, ca sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà báo cả chuyên nghiệp lẫn không chuyên nghiệp. Có những người đã thành danh từ rất lâu và cũng có những người chỉ mới đặt những bước chân thăm dò vào “sân chơi” này trong một thời gian ngắn. Nhưng cũ hay mới, nổi tiếng hay chưa nổi tiếng, tất cả đều đã đóng góp khá nhiều vào việc làm cho Boston trở thành một trung tâm văn hóa quan trọng của người Việt trên đất Mỹ.
Về văn, ở đây chúng ta đang có các nhà văn Lâm Chương, Tuệ Chương, Trần Doãn Nho, Nhã Nam, Đặng Chí Bình, Trần Trung Đạo, Lương Thư Trung, Nguyễn Thanh Ty… về thơ chúng ta có những thi sĩ Hoa Văn, Chân Phương, Trần Trung Đạo, Dư Mỹ, Phạm Nhã Dự, Hoàng Huy Khánh, Phan Xuân Sinh, Vũ Linh Huy, Khoan Hậu, Mịch La Phong, Trần Thu Miên, Hạ Uyên, …Về họa chúng ta có các họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi, Nguyên Long… báo chí có Nguyễn Mạnh Cường chủ nhiệm tuần báo Thăng Long. Về nhạc, bên tân nhạc chúng ta có các nhạc sĩ Thiện Lý, Lê Gioang, Nhất Chi Vũ, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Thu Miên, Đỗ Vy Hạ… bên cổ nhạc chúng ta có Diệp Tùng, Lê Tám… Và… còn một điều rất thú vị nữa: Boston, “bản doanh” của trường đại học âm nhạc nổi tiếng Berklee, của thính đường lừng danh Boston Symphony Orchestra cũng chính là nơi khởi đầu sự nghiệp ca hát của nhiều “ca sĩ ngôi sao” của nền tân nhạc Việt Nam hải ngoại. Sự thành công của những Gia Huy, Bảo Tuấn, Hạ Vy… và gần đây nhất: Y Phương đã nói lên điều đó.
Với một lực lượng văn nghệ hùng hậu như thế, nếu chúng ta có “thậm xưng”: “Boston là một cái “nôi” của văn nghệ Việt Nam hải ngoại” thì cũng chẳng có gì gọi là… quá đáng ?!

Thời gian còn sinh sống ở Boston khoảng gần 10 năm trước, tôi thường cùng những anh em trong nhóm văn nghệ sĩ Boston tổ chức những chương trình văn nghệ: đại nhạc hội có tầm cỡ lớn (có ca sĩ “ngôi sao”) thì tổ chức ở hý viện Strand Theatre, nhà hàng Empire Garden; chương trình văn nghệ vinh danh người lính QL/VNCH, đấu tranh chống bọn “ma vương” buôn dân bán nước Việt Cộng, chống lũ xâm lược bành trướng Bắc Kinh thì thực hiện ở hội trường trường trung học Cleveland, sân vận động Fields Corner; sinh hoạt văn học nghệ thuật, thơ nhạc chủ đề thì thu gọn lại trong không gian ấm cúng, thân mật của “Quán Văn” – VietAID – (Dorchester).

Những chương trình này đã gặt hái được những thành quả nhất định. Không chỉ ở số lượng thật đông đảo khán thính giả tham dự và cảm tình họ dành cho các buổi trình diễn mà còn ở tinh thần yêu chuộng nghệ thuật cao độ của những nhà “Mạnh Thường Quân”, những người lúc nào cũng sẵn sàng yểm trợ cả hai mặt vật chất lẫn tinh thần khi ban tổ chức chúng tôi có sự yêu cầu. Những chương trình văn nghệ do anh em chúng tôi thực hiện hầu hết là những chương trình “vào cửa tự do” nhưng nhờ ở lòng thương mến của khán giả, nhờ vào sự giúp đỡ hào hiệp của quý vị “Mạnh Thường Quân”, nhờ tinh thần tự nguyện đóng góp của anh chị em nghệ sĩ, rất ít khi chúng tôi phải ưu tư về vấn đề lời lỗ của một đêm trình diễn…
Một điều cần phải nhấn mạnh ở đây là tinh thần dấn thân rất đáng ca ngợi của anh chị em nghệ sĩ từ lớp “tiền bối” đến lớp “hậu duệ” của Boston. Tôi nhớ mãi những đêm trời Boston lạnh như cắt da xẻ thịt, Nhật Tân, Trúc Lê,… thân gái dặm trường, lái xe 1, 2 tiếng đồng hồ từ Springfield, Salem đến tận Randolph, tập dượt một cách nghiêm túc, cẩn thận những bài hát cần cho đêm trình diễn, có khi đến quá nửa đêm mới ra về! Những giọng ca trẻ đầy triển vọng và đầy nhiệt tình Ngọc Diễm, Nguyễn Lộc, Trúc Lê, Huỳnh Đông, Xuân Phương… Phương Oanh và Yến Loan … những đóng góp thường xuyên đầy nhiệt tâm của Thế Huy đã làm tăng thêm sinh động trong văn nghệ khu vực, tiếng tây ban cầm cổ điển của Út Đàn làm lòng khác giả thêm xao xuyến cùng với những giọng ca hay của Boston: Ngọc Phong, Hoàng Vân, Ngọc Thanh, Kiều Ngân… cũng đã xuất hiện nhiều lần trong những chương trình văn nghệ “free” được tổ chức tại địa phương này. Các nghệ sĩ Hoàng Long, Diệp Tùng, Lữ Giang… những người đã từng đóng góp hơn nửa đời người cho sân khấu, cho nghệ thuật, chẳng kiêu căng, chẳng ngạo mạn, vui vẻ dượt đi dượt lại với các nghệ sĩ thuộc loại “a ma tưa” một bài hát AVT rất “khó chơi” hoặc một vở kịch đến…1, 2, giờ sáng mà chẳng hề… than van! Những chương trình mà chúng ta đã thực hiện với lòng say mê nghệ thuật, với tình thân ái, với sự đoàn kết chặt chẽ giữa những người nghệ sĩ chân chính với nhau hoàn toàn không nhằm mục đích kiếm chác tiền bạc. Hai chữ thương mại đã không có chỗ trong những sinh hoạt văn nghệ của chúng ta. Bằng tinh thần đóng góp vô vụ lợi, chúng ta đã làm được khá nhiều điều hay, việc tốt cho cộng đồng người Việt, đã làm cho cuộc đời này đẹp tươi thêm, đúng với thiên chức cao cả, đúng với danh xưng cao quý của một người nghệ sĩ!


Hình trái: Nguyễn Ngọc Phong và Ngọc Thanh song ca nhạc phẩm Anh Là Ai, một sáng tác của Việt Khang.

Ngồi ôn lại những tháng ngày làm văn nghệ đôi khi rất gian khổ nhưng thật thú vị tại thành phố dễ thương này, tôi chợt nhớ là mình chưa đề cập tới những “nghệ nhân” đặc biệt của Boston. Ngoài các anh Lữ Giang – Phan Bản Nhãn – , Diệp Tùng đã bỏ ra nhiều công sức để dàn dựng, trang trí sân khấu cho hàng chục đêm trình diễn còn một nghệ nhân độc đáo khác: Sen Châu! (mà hình như anh chẳng bao giờ muốn người khác …đề cập tới mình?!). Tôi trở lại Boston, tính tới hôm nay đã gần 3 tháng mà chưa được gặp lại con người dễ mến này. Gọi anh là một “nghệ nhân” không biết đã xứng đáng với những tác phẩm nghệ thuật mà anh đã thực hiện cho nhiều chương trình văn nghệ tổ chức tại địa phương này chưa? Nhưng! Lòng say mê nghệ thuật và tinh thần trách nhiệm đáng phục của anh là điều không ai có thể phủ nhận được. Kỷ niệm sâu sắc nhất mà Sen Châu để lại trong lòng tôi là việc anh thực hiện và dàn dựng thật công phu túp lều tranh để làm cảnh cho “Đêm Huế Thương” (Tết 2003) và vận chuyển nó đến hý viện Strand Theatre giữa cơn mưa tuyết trắng xóa đất trời! Vượt qua bao … gian khổ, vào được trong hội trường, tác phẩm và tác giả đều ướt … như chuột lột (!) nhưng anh đã nở nụ cười mãn nguyện khi túp lều tranh, cuối cùng đã được dựng lên thật duyên dáng trên sân khấu. Nếu chúng ta có được vài “nghệ nhân” cỡ như Sen Châu tiếp tay thì những sân khấu dành cho các chương trình văn nghệ ở Boston sẽ đẹp đẽ huy hoàng biết bao?!
Tiềm năng văn nghệ của Boston phải nói là hết sức phong phú! Ngoài những tài năng mà tôi đã biết, đã được sinh hoạt chung với họ trước đây. Sau mấy năm tạm xa Boston, lần này trở lại, tôi đã được gặp nhiều khuôn mặt mới, được nghe nhiều tiếng đàn, tiếng hát mới (dĩ nhiên là chỉ mới đối với tôi thôi!) mà chất giọng, kỹ thuật trình diễn và kiến thức về âm nhạc đã khiến cho tôi hết lòng ngưỡng mộ. Tôi được mời tham dự một cách bất ngờ đêm “Nhạc Thính Phòng” tổ chức tại nhà “guitarist” Tuấn Sơn và được thưởng thức tài nghệ của ban nhạc Trùng Dương do Nhạc Sĩ Lê Gioang hướng dẫn với những cây đàn piano, violin quý phái, với tiếng saxo, clarinette sâu lắng, thâm trầm, với những cây guitar điêu luyện, nhịp nhàng, của những nhạc công tài ba và được thưởng thức qua lời giới thiệu chương trình rất hấp dẫn của Nghệ Sĩ Duy Hải những bản nhạc thuộc loại “có hạng” của tân nhạc Việt Nam do những giọng ca có chất giọng đặc biệt, có kỹ thuật vững vàng trình bày. Sau hơn 3 tiếng đồng hồ say mê theo dõi 2 “tour” nhạc thật hay, thật giá trị, tôi bỗng mơ ước sẽ có một ngày cái “Quán Văn” dễ thương năm nào sẽ hoạt động trở lại để anh chị em chúng ta tiếp tục… làm đẹp cho đời!

Một điều đáng trân trọng nữa đối với ban nhạc Trùng Dương là mặc dù đa số ca, nhạc sĩ của ban nhạc này là những Ki Tô hữu đã thường xuyên chơi nhạc trong những thánh lễ của các nhà thờ, nhưng trong ngày Mồng Một Tết Nhâm Thìn vừa qua, một chương trình văn nghệ mừng Xuân được họ thực hiện thật xuất sắc, thật hay, thật cảm động tại một trong những ngôi chùa lớn nhất Boston: chùa Việt Nam. Vị Đại Đức Trụ Trì, nữ ca sĩ Hà Thanh, quý vị trong ban quản trị chùa và toàn thể Phật Tử có mặt trong buổi sinh hoạt văn nghệ bỏ túi này đã dành cho nhóm văn nghệ của Nhạc Sĩ Lê Gioang những cảm tình nồng hậu nhất. Nghệ thuật quả là món quà quý giá nhất mà con người mang đến cho nhau. Văn nghệ chân chính không có biên giới. Văn nghệ chân chính mang chúng ta đến gần nhau một cách hữu hiệu và khi làm văn nghệ, chúng ta làm cho cuộc đời này tốt đẹp hơn lên gấp vạn lần!
Trở lại Boston đúng ngay vào “greeting season” năm nay, tôi được may mắn tham dự nhiều sinh hoạt của các hội đoàn, đoàn thể, các nhóm thân hữu, các anh chị em văn nghệ sĩ mà tôi đã quen biết từ lâu và những người tôi mới gặp gỡ lần đầu. Dường như cái khắc nghiệt của thời tiết nơi đây không đủ sức ngăn cản chúng ta tìm đến bên nhau để trao cho nhau những câu… đầm ấm bằng lời ca, tiếng nhạc…
Không nên dùng văn nghệ để rẽ chia mà hãy dùng văn nghệ để đoàn kết con người lại với nhau. Trong tinh thần đó, một buổi họp mặt đầu Xuân đã được Hội Văn Nghệ Sĩ Boston mà vị “trưởng tràng” là nhà thơ Hoa Văn tổ chức tại hội trường Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng VietAID, Dorchester. Đã có vào khoảng 50 văn nghệ sĩ, thân hữu và gia đình đến tham dự buổi họp mặt thân tình này.
Khai mạc chương trình, trong bài phát biểu ngắn, gọn nhưng đầy đủ ý nghĩa và hết sức cảm động, Nhà Thơ Hoa Văn đã bày tỏ nỗi mừng vui tột cùng của mình khi nhìn thấy sự hiện diện của gần như là toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ Boston tại buổi họp mặt này. Một buổi họp mặt mà chỉ trước đó vài hôm, tưởng chừng không thể hình thành được do một vài bất đồng về địa điểm tổ chức (?!)

Trong gần 3 tiếng đồng hồ tiếp theo, một chương trình văn nghệ khá phong phú được thực hiện bởi chính các văn nghệ sĩ Boston cùng với sự góp mặt của nhiều thân hữu. Mọi người có mặt trong hội trường vừa nâng ly rượu mừng Xuân vừa hát cùng anh chị em văn nghệ sĩ ca khúc “Ly Rượu Mừng” bất hủ. Khi mùa Xuân về hãy mở rộng lòng ra để thương yêu, thông cảm, dẹp bỏ tị hiềm, hân hoan đón lấy hạnh phúc được ban phát từ đất trời, từ những con người có chung nguồn cội, từ những bằng hữu thân thương và từ… văn học nghệ thuật… Anh Trương Thu, người phụ trách trang trí sân khấu và điều khiển chương trình từ đầu đến cuối, đã làm tròn trách nhiệm của mình một cách tốt đẹp (ngoài một vài câu giới thiệu với những danh xưng hơi quá… “ưu ái” đối với các “ca sĩ”, “nhạc sĩ”. Theo thiển ý thì danh xưng này rất cao quý, nếu dùng chúng một cách quá dễ dãi có thể khiến cho người được giới thiệu cảm thấy… áy náy vì một điều thực tế: họ đâu phải là “ca sĩ” hay “nhạc sĩ” ?! Họ chỉ muốn góp mặt vào chương trình cho vui theo sự yêu cầu của ban tổ chức mà thôi!). Họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi bằng một giọng ấm áp, trữ tình đã hát một ca khúc do chính anh sáng tác. Người nghệ sĩ đa tài này là một trong những cột trụ chính của văn nghệ Boston. Anh đã đóng góp công sức rất nhiều vào những sinh hoạt văn học nghệ thuật của cộng đồng người Việt Boston bằng họa, bằng nhạc, bằng văn và cả bằng thơ nữa. Nguyễn Ngọc Phong – một trong những giọng ca hay của Boston – trong chương trình này đã ngâm một cách điêu luyện hai bài thơ của thi sĩ Hoa Văn với kỹ thuật đệm đàn tranh “có ăn có học” của nữ nghệ sĩ Anh Thảo. Ngâm thơ, theo tôi là chuyện… khó nhất trên đời! Vậy mà! Nguyễn Ngọc Phong và Anh Thảo đã trình diễn tiết mục này một cách thoải mái, “nhẹ nhàng”. Tôi đã nói: “Boston là nơi quy tụ nhân tài!”. Có phải là “thậm xưng” không?! Ca Sĩ Hoàng Vân vẫn rất phong độ với bài hát ưng ý: “Anh Còn Nợ Em”. Không biết Hoàng Vân còn nợ, nợ cái gì và nợ của bao nhiêu người đẹp? Mà càng ngày anh hát bài này nghe càng hay, càng thấm thía, càng… xót xa?! Duy Hải mượt mà trong một ca khúc lãng mạn thời tiền chiến. Tiếng hát của Ngọc Thanh vẫn trong, vẫn cao, vẫn khỏe như ngày nào! Trong chương trình này, chị đã hát “Tôi Yêu Mãi Lá Cờ Vàng” (Hoa Văn, Nguyễn Thiện Lý) “Anh Là Ai” (Việt Khang). Đúng! Ngoài những ca khúc trữ tình lãng mạn, người nghệ sĩ phải biết cất cao những lời ca yêu nước, dùng tiếng hát, giọng ca của mình làm một thứ vũ khí đấu tranh giành lại quê hương đang nằm trong tay giặc. Nghệ Sĩ Hoàng Long tuy đã vượt qua cái ngưỡng “thất thập cổ lai hy”, vẫn còn khá… năng động! Anh chạy lên chạy xuống sân khấu, loay hoay với cái máy quay phim và cùng với anh em hát, ngâm thơ, xuất sắc… như thường lệ. Nữ thi sĩ Hạ Uyên đã đọc rất lớn và đọc rất rõ hai bài thơ tranh đấu mà chị vừa sáng tác, được mọi người tán thưởng nhiệt liệt. Các nhà văn Trần Doãn Nho, Nguyễn Thanh Ty đã cho anh chị em văn nghệ sĩ Boston và thân hữu thưởng thức mấy vần thơ vừa trữ tình vừa dí dỏm và mọi người rất vui vì những câu pha trò duyên dáng, ý nhị của các anh. Chương trình cũng còn có sự đóng góp của nhiều anh chị em văn nghệ sĩ cũng thân hữu khác như Minh Xuân, Châu Phú, … và hai giọng hát xuất hiện lần đầu trên sàn diễn của Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng đó là Hồng Phi và Mỹ Dzung cũng đã gây nhiều ấn tượng tốt đẹp cho buổi hội tụ văn nghệ.
Linh hồn của chương trình văn nghệ dĩ nhiên là cây keyboard của Nhạc Sĩ Lê Gioang. Vui vẻ, nhiệt tình và điêu luyện. Trong hơn 2 tiếng đồng hồ, anh đã đệm đàn … cho mười mấy tiết mục ca hát. Dĩ nhiên là khá mệt nhọc nhưng trên môi luôn tươi nụ cười, thỉnh thoảng… nâng ly rượu Xuân lên, “chọc ghẹo” mọi người mấy câu khiến hội trường vang lên tiếng cười rồi lại cúi xuống với những phím đàn.
Buổi họp mặt đầu Xuân 2012 của Hội Văn Nghệ Sĩ Thành Phố Boston đã thành công mỹ mãn!
Thi Sĩ Hoa Văn và tất cả anh chị em văn nghệ sĩ chúng ta giờ đây ắt hẳn đã thở phào nhẹ nhõm vì nhận thấy rằng: chúng ta đã, đang và mãi mãi là một khối đoàn kết.
Là những người hoạt động văn học, nghệ thuật, chúng ta đã vắt tim, vắt óc của mình ra để giữ gìn những gì tốt đẹp nhất của văn hóa Việt Nam và… chẳng có ai đẩy được chúng ta ra khỏi hàng ngũ chống Cộng để cho chúng ngồi cười ruồi hưởng lợi.
Ông Giám Đốc Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng VietAID Phạm Văn Nam (một nhân vật đã tổ chức không biết bao nhiêu buổi sinh hoạt đấu tranh chống Cộng nhưng lại phải chịu nhiều “lời ong tiếng ve” về chuyện chống Cộng, “thân Cộng” từ mấy năm qua?!) ngồi chung một bàn, tươi cười hàn huyên với nhà văn Nguyễn Thanh Ty, nhà văn “Thép Đen” Đặng Chí Bình, những cây bút chống Cộng nổi tiếng; Ca Sĩ Ngọc Thanh đã song ca với Ngọc Phong (một người đã từng bị … ai đó chụp mũ “thân Cộng”?!) một bài ca chống Cộng… nóng hổi! Bác Sĩ Vũ Linh Huy, một nhà trí thức kháng Cộng thứ thiệt của Boston đã đến và ở lại với buổi sinh hoạt cho tới giờ chót.
Hội trường VietAID, nơi đã từng bị một vài kẻ xấu miệng hoặc muốn… “chơi ác”, hoặc vì ghen ghét hoặc vô tình hay… cố ý ngộ nhận… gọi là… “cái ổ Vi Xi” (?!), trong buổi họp mặt đầy tình thân ái, đoàn kết này, đã vang lên những lời ca, tiếng hát, câu thơ chống Cộng hùng hồn nhất, mạnh mẽ nhất và triệt để nhất! Giả sử bọn Cộng Sản nằm vùng lén lút trà trộn được vào trung tâm VietAID hôm đó, có lẽ chúng sẽ vô cùng thất vọng vì ngay tại cái “ổ Vi Xi” này, chúng đã bị … chửi thẳng vào mặt bằng những câu văn, bằng những vần thơ, bằng những lời ca đanh thép tố cáo những tội ác, lên án những hành vi phản dân hại nước mà chúng đã làm đối với dân tộc Việt Nam… Và… Sẽ không bao giờ chúng có thể biến Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng VietAID – một công trình kiến trúc đẹp đẽ khang trang, một tụ điểm hội họp tiện nghi, thuận lợi được xây dựng bằng của cải, tiền bạc, công sức của không ít đồng hương người Việt nặng lòng với quê hương, dân tộc – thành một “hang ổ” để cho chúng… tha hồ tác oai tác quái! Đừng bao giờ chúng ta để cho Việt Cộng ly gián chúng ta bằng những trò chụp mũ bừa bãi, vô tội vạ. Nếu chưa tìm hiểu cặn kẽ, nếu chưa có bằng chứng xác thực, đừng bao giờ chúng ta dại dột mắc mưu chồn cáo của địch, tự chia rẽ, tự làm suy yếu hàng ngũ quốc gia bằng những đánh giá, nhận định vội vàng về những tin đồn nhảm nhí nhưng vô cùng ác độc do chúng ngụy tạo!
Rời khỏi buổi họp mặt đầu Xuân của anh chị em văn nghệ sĩ Boston, lòng tôi hân hoan vui sướng tin tưởng vào những ngày mai thật tốt đẹp của văn nghệ Boston. Có sự đoàn kết nào không mang lại sức mạnh? Và… chỉ còn một điều khiến tôi phải suy nghĩ: tại sao có một sự thiếu vắng những khuôn mặt trẻ trong buổi sinh hoạt vừa rồi của chúng ta? Phải chăng họ đang chờ xem thế hệ đi trước làm và sẽ làm được những gì?

Bùi Thạch Trường Sơn

Boston, đầu Xuân 2012

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *